Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2012

Bài số 93 Một Cõi Thiền Nhàn





Chào quý bạn,

Đây là bài thứ chín mươi ba của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo

Khi còn ở quê nhà chốn cũ, người viết mơ ước được sống ở Đà Lạt, nơi có thác bạc thông xanh, có những con đường dốc thơ mộng, có hoa hồng tươi thắm, có sương lam lành lạnh, có cô em gái má đỏ môi hồng, có nhiều chàng trai oai dũng. 
Năm 1962, khi đậu Tú Tài 1, ba mẹ tôi thưởng cô “đại tiểu thơ” nhà họ Nguyễn đã chăm chỉ cố gắng học hành, đổ đạt thành công bằng một chuyến đi nghỉ hè của toàn thể gia đình ở Đà Lạt trong vòng 1 tuần lễ. Người viết lúc đó  mới 17 tuổi, cũng đang tập tểnh làm thơ nên cũng đã “phóng bút” viết bài thơ về Đà Lạt như sau:

 Đà Lạt hữu tình

 Nên thơ cảnh sắc chốn Lâm Viên
Thác bạc, thông xanh vẻ dịu hiền
Thành phố đón chào người khách tục
Sương mờ tiếp nhận kẻ mơ tiên
Gougah thác trắng trông hùng vĩ
Hồ mộng Xuân Hương vẻ lặng hiền
Đà Lạt muôn đời lưu luyến nhớ
Tôi ngồi dệt mãi mộng thần tiên

 Sương Lam
 Mùa hè năm 1962

 Tâm hồn mơ mộng của cô thiếu nữ Sàigòn lần đầu được viếng thăm Đà Lạt là thế đấy!  Lúc ấy, lòng cô chưa vướng bụi trần nên tâm hồn thật trong sáng, giản dị, chỉ biết xúc động vì cảnh đẹp nên thơ của Đà Lạt mà thôi nên không có một ngôn từ nào nói về tình yêu của những chàng trai trường võ bị quốc gia Đà Lạt với cô gái má hồng môi đỏ nơi thung lũng tình yêu này
 Rồi thời gian qua, cô gái đã “theo những cô áo đỏ sang nhà khác”, vì bận bịu với chuyện gia đình, sự nghiệp, cô đã tạm quên đi mộng ước được sống ở Đà Lạt nên thơ.

 Theo vận  nước nổi trôi,  tôi đã lưu lạc nơi xứ người.  May mắn thay, gia đình người viết vượt biên tìm tự do và được định cư ở Portland với sự bảo lảnh của cô em kế tôi, nguyên là du học sinh trước năm 1975.     không còn học bổng của chế độ trước nữa nên cô em tôi phải đổi sang chuyên khoa giáo dục và cô là một trong những giáo sư Việt Nam đầu tiên của chương trình ESL tại Portland  khi số người  Việt Nam tỵ nạn tăng dần ở Portland.  Cô dạy trong chương trình ESL ở trường trung học Madison và  một vài trường khác cho đến khi về  hưu.  Hiện nay, cô đã quy y cửa Phật, tu tập, vui sống và giúp đỡ đồng hương tìm sự an lạc về phương diện tâm linh. Nhờ Phật Trời ban ân phước, ba chị em chúng tôi được đoàn tụ và sinh sống ở Portland này đã 30 năm rồi. 
 Người viết yêu Portland vì nơi đây giống như Đà Lạt mà ngày xưa tôi từng mơ ước được sống.  Thế là “My dream comes true” dù muộn màng và khác lạ.

Ở nơi đây, chúng tôi đã  tạo lại cuộc đời mới bắt đầu bằng con số không. Con cái chúng tôi đã lớn lên và đã thành đạt.  Đời sống tình cảm của tôi đã gắn liền với từng bụi cây, góc phố, tên đường ở Portland.  Bạn bè tôi đã đến thăm viếng nơi đây.  Người viết cũng  đã đưa bạn đi viếng thăm nhiều thắng cảnh đẹp ở Portland như vườn hồng, thác Multnomah, núi tuyết Mount Hơod,  v..v.. Nhiều người đã bảo nơi này đẹp như Đà Lạt nhưng  mưa buồn quá!  Người viết cũng đã xúc cảnh sinh tình viết bài thơ Portland Thơ Mộng nhắn nhủ với bạn bè chưa đến hoặc đã đến Portland  thì xin hãy “để quên con tim” ở Portland sau khi đã đến nơi đây:

Portland Thơ Mộng

Portland cảnh đẹp người hiền
Ở đây mà sống như tiên trên đời
Thu vàng, hồng nở, tuyết rơi
Sương lam lãng đãng chơi vơi mộng tình
Môi hồng, má đỏ xinh xinh
 Ngày xưa Đà Lạt chuyện tình nên thơ
Bây giờ vật đổi sao dời
Portland sống lại một thời dấu yêu
Bạn xưa còn lại bao nhiêu?
Bạn nay xin giữ cho nhiều mến thương
Rồi đây vạn nẽo đường trường
Bạn về có nhớ có thương nơi này
Thì xin tay nắm lấy tay
Trao nhau lời chúc: “Mai này gặp nhau”.

Sương Lam


Tháng Tám cuối Hạ vào Thu năm nay, thành phố  hoa hồng Portland thơ mộng của chúng ta rộn ràng với  buổi văn nghệ thính phòng Từ Công Phụng 50 năm Tình Ca Một lần Nhìn Lại vào chiều chủ nhật 8-28 tại Embassy Suite vừa qua.
Hơn 600 thính giả ái mộ Từ Công Phụng cùng đi vào thế giới tình yêu của Từ Công Phụng qua những tình khúc nổi tiếng đi vào lòng người trong 50 năm qua của người nghệ sĩ hiền hoà này.  Một phần khác có lẻ khán thính giả Portland cũng muốn biết sức khoẻ và “nhan sắc” của TCP  như thế nào sau cơn bạo bịnh “thập tử nhất sinh”của chàng mà báo chí đã loan tin  ầm ĩ năm vừa qua.

 Tất cả rất ngạc nhiên khi thấy TCP xuất hiện với dáng điệu “hào hoa phong nhã”, kể chuyện vui buồn của những lần trình diễn, nói lên lời cám ơn các bạn hữu, quan khách ái mộ, hát một hơi 3 bài hát ở phần đầu chương trình và đặc biệt nhất là tạ ơn người vợ hiền Kim Laurent qua ca khúc Tạ Ơn Em và nhất định sẽ không rời khỏi nàng qua ca khúc Mãi Mãi Bên Em của chàng ở phần cuối của chương trình. Chị TCP đã hết sức xúc động không thốt được nên lời khi đứng cạnh bên chàng, chị chỉ biết cười duyên mà thôi. Còn nói gì được nữa chứ?

 Chương trình rất thành công với sự điều khiển khép léo, vui nhộn của các MC Linh Vũ Bích Huyền, Uyển Diễm, Đại Dương, với sự tham dự của nhà thơ Du Tử Lê, nhạc sĩ Đăng Khánh, Nguyên Bích, với các tiếng hát Trần Thu Hà, Anh Tuấn, Y Phương, Hoàng An và các ca sĩ được ái mộ ở Portland như Ngọc Hoa, Hồng Hạnh, Đăng Tú và ban nhạc Phượng Hoàng.

 Chắc chắn bạn sẽ đọc nhiều bài tường thuật về buổi trình diễn này trên các số báo ở địa phương và chắc chắn là sẽ có nhiều lời ngợi khen cho sự thành công của buổi trình diễn. Người viết có khen thêm cũng bằng thừa về những bài tình ca đi sâu vào lòng người của TCP qua những thập niên trước đây. 
 Người viết chỉ  muốn nói lên tình cảm thương yêu và sự quan tâm đến sức khoẻ của đồng hương Việt Nam ở Portland dành cho TCP như thế nào mà thôi vì đối với người viết, tình cảm thương yêu thật tình đối với nhau quan trọng hơn là những lời giới thiệu lịch sự trên sân khấu hay những lời “nói cho vừa lòng nhau”   khi giao tế nhân sự.

 Có đến thấy 600 khán giả hiện diện ngồi chật hết hội trường, trong đó có hai người bạn của người viết (anh chị Phan Lạc Cảnh từ  Úc Châu đến) để cả hồn mình theo từng lời ca điệu hát  của những bản tình ca  TCP ngày hôm ấy mới biết được lòng thương mến của những người ái mộ đối với TCP  như thế nào rồi, phải không thưa quý bạn?

Chắc chắn rằng sự hiện diện đông đủ của chúng tôi, những người bạn của “Xứ Thâm Trầm” này, những người đã từng hồi hộp, lo lắng theo dõi bịnh tình của TCP từ lúc mới bắt đầu cho đến ngày bình phục hôm nay, chắc cũng đủ nói lên tình cảm  quý mến, thương yêu  thực sự của chúng tôi đã dành cho anh chị TCP và Kim Laurent như thế nào rồi nhỉ? Phải không thưa anh chị TCP?  Như thế đủ rồi, người viết  không cần phải nói thêm gì nữa, tôi nghĩ thế!

Mỗi người có một cảm nhận và yêu thích khác nhau về những bài hát của những nhạc sĩ  sáng tác.  Có những bài hát đã đưa chúng ta về một kỷ niệm dấu yêu nào đó dù là một kỷ niệm đau buồn. Bạn yêu nhất bài hát nào trong số  hằng trăm bài tình ca của TCP?
Bây giờ tháng mấy? Mắt lệ cho người? Trên ngọn tình sầu? Mùa Xuân trên đỉnh bình yên? Tình tự mùa Xuân? Lời cuối? Kiếp dã tràng? Như chiếc que diêm?  Giọt Lệ cho ngàn sau? Tạ ơn Em? Mãi mãi bên nhau? v..v…và v..v…

Người viết xin mượn những lời của nhà văn Song Thao viết về Tình ca của họ Từ  để làm kết luận cho bài viết hôm nay, bạn nhé.
“Tình ca không có tuổi.  Khi trên đời còn những tình nhân thì tình ca vẫn còn vang vọng trong cuộ sốn.  Tình yêu không bao giờ cũ.  Chính những tình nhân từ thế hệ khác luôn luôn làm mới tình yêu.  Vì vậy những bản tình ca nói chung và tình khúc Từ Công Phụng nói riêng không bao giờ phai mờ nét lấp lánh của chúng.  Cho đến hôm nay chúng ta đã sống gần 4 thập niên qua với âm nhạc của họ Từ, nhưng những tình khúc của ông sẽ còn được hát không biết bao nhiêu lần thập niên nữa…”

 Song Thao.
Montreal, Canada Nov, 1995

 Người viết cũng đồng ý với nhà văn Song Thao, cũng là bạn đồng nghiệp với người viết ở Bộ Xã Hội ngày xưa, về giá trị của những bài tình ca của Từ Công Phụng.  Xin chúc nhạc sĩ TCP nhiều sức khỏe, vạn sự an lành để sáng tác thêm những bài tình ca ngọt ngào khác nữa nhé.

Chúc các bạn một ngày vui, nhiều sức khoẻ và mọi sự an lành đến với các bạn nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam
(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét