Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2012

Bài số 92 Một Cõi Thiền Nhàn




Chào quý bạn,

Đây là bài thứ chín mươi hai của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo

 Sống ở xứ Mỹ hình như thời gian qua mau hơn vì ai cũng vội vã và bận rộn.  Đã một lần người viết có nói về niềm vui của “Một Ngày  Không Vội Vã” ở Canada của tác giả Hoàng Thanh trong ý niệm hưởng Nhàn,  như chính phủ  Canada đã khuyến khích người dân: "Hãy “enjoy” từng phút giây hạnh phúc, bình an của ... một ngày không vội vã. Hãy biết sống và tận hưởng hạnh phúc ở quanh ta ", ví dụ như  "Bạn hãy ngủ cho thẳng giấc, thức dậy khi nào mình muốn. Hãy nhâm nhi tách cà phê, và ngồi ngắm khu vườn của bạn, nghe tiếng chim hót líu lo . Hãy đi ra ngoài nếu bạn thích, vào ăn trưa ở một restaurant nào mà bỗng dưng bạn muốn. Còn nếu không, bạn có thể mời bè bạn đến nhà làm BBQ. Bạn cũng có thể chạy xe đạp một vòng thành phố, hay nằm dài trên bãi cỏ của một công viên gần nhà, vân vân và .. vân vân " (bài số 45- MCTN-ORTB-8-30-2010).
Người viết cũng đã nhiều lần thực hiện ‘một ngày không vội vã” này và cảm thấy “nhàn nhã, hạnh phúc” thật, bạn ạ!
Tuy nhiên, đôi khi sự bận rộn lại đem đến cho ta niềm hạnh phúc khác vì chúng ta được gặp gỡ bạn bè để vui đùa cười giỡn, để tìm lại được những hình ảnh xưa, tình cảm cũ sau bao nhiêu ngày xa cách, để làm được những việc từ thiện tốt lành cho người, cho gia đình, cho cá nhân ta và nhất là để không phải ngồi bên cửa sổ nhìn thời gian trôi qua chầm chậm và than trách mình đã già rồi!

Trong tuần qua, người viết bận rộn với sự họp mặt của các thân hữu điện lực bên “tướng công” của tôi.  Một  khi đã “an cư lạc nghiệp” nơi xứ người sau bao nhiêu năm đi cày ‘bở hơi tai”, con cái bây giờ  đã công thành danh toại, chúng ta có khuynh hướng muốn tìm gặp lại những người bạn ngày xưa đã một thời học chung với nhau hay làm việc chung với nhau để chung vui với nhau, để biết được ai còn ai mất, để cho tình thân ái tiếp tục duy trì,  để các hội viên có cơ hội gặp gỡ, để ôn lại kỷ niệm trường xưa bạn cũ,  để chia sẻ kiến thức về  văn hoá, khoa học kỹ thuật, văn nghệ, âm nhạc và nhất là  để biết tin tức nhau mà giúp đỡ, an ủi lẫn nhau v..v...
Thế là  nhiều hội ái hữu này, nhóm thân hữu kia được thành lập để thực hiện các mục tiêu nói trên.  Nếu bạn có thời giờ lên “xa lộ thông tin internet”, bạn sẽ thấy hàng nghìn websites, hằng vạn yahoogroups.com, gmailgroups.com đang hoạt động ào ào, nối kết tình cảm yêu thương của những người đang sống khắp mọi nơi trên thế giới. Vui nhỉ!

 Người viết là con người năng động, sống nhiều về tình cảm nên thích gặp gỡ bạn bè để chuyện trò, học hỏi những điều hay lạ tốt đẹp  nơi những người bạn cũ hay mới này để  cho đời sống tình cảm, tinh thần, tâm linh và  kiến thức mình ngày một phát triển tốt đẹp hơn.  Tôi cảm thấy vui và có hạnh phúc khi gặp mặt với bạn bè.  Rồi từ đó,  người viết chia sẻ niềm vui này đến những nguời bạn khác hoặc độc giả của tôi  với hy vọng rằng chúng ta sẽ cùng được vui và cùng  được hạnh phúc trong một ít phút giây giữa chốn bụi hồng lao xao này.

Người viết hoàn toàn đồng ý với quan niệm sống  của một tác giả vô danh mà tình cờ tôi  đã đọc được: “Hạnh phúc do mình tạo ra. Vui sướng là mục tiêu cuối cùng của đời người, niềm vui ẩn chứa trong những sự việc vụn vặt nhất trong đời sống, mình phải tự tìm lấy.  Hạnh phúc là cảm giác, cảm nhận, điều quan trọng là ở tâm trạng.”  Bạn thì sao?

Tôi có rất nhiều bạn: bạn của tôi và bạn của ông xã tôi vì  tôi  quan niệm “thêm được một người bạn tức là bớt đi được một người thù” nếu chúng ta đối đãi thật tình quý mến nhau.  Tôi vẫn tin rằng “Ngẩng đầu cao ba thước đã có thần linh” cho nên mọi việc làm tốt xấu của mình đều có thần linh, Trời Phật ở trên cao nhìn thấy và ngay chính trong lương tâm chúng ta phán xét việc làm đó là đúng hay sai rồi.
 Chúng ta  đã “không còn trẻ nữa”, sống nay chết mai, hơi đâu mà để ý những chuyện không vui làm cho mình bực mình một ít phút giây (thú thật người viết cũng có đôi lúc bực mình đấy chứ, nhưng tôi tự bảo hãy quên ngay đi, đừng thèm nghĩ tới nữa vì  tôi sợ hao mòn nhan sắc, vì  tôi sợ có  thêm nhiều vết nhăn trên trán, có thêm nhiều “dấu chân chim” trên đôi mắt ngà.  Tội gì phải làm thế, phải không thưa quý bạn?).

 Chúng ta cần  học tập sống vui sống khỏe như  đức Phật  Di Lặc có nụ cười vui vẻ, sảng khoái, không chừng lại được tăng tuổi thọ nữa như ôngThọ có cái nhân trung dài  kia.  Mình có lo nhiều quá con bò cũng vẫn trắng răng và con người vẫn sống phây phây, nếu chưa tới số chết.  Chuyện sinh lão bịnh tử là chuyện tự nhiên và chúng ta cần tâm niệm rằng tất cả mọi sự việc trên đời đều là vô thường, là do duyên nghiệp mà ra cả.  Chuyện gì tới thì sẽ tới, có chạy đằng trời cũng không tránh khỏi, phải không bạn?  Bài hát Qué sera, sera do Doris Day hát ngày xưa là bài hát mà tôi ưa thích nhất và hay ngâm nga nhất mỗi khi tôi gặp chuyện không vui để tự an ủi mình.
 Sẵn đây người viết xin được chia sẻ với quý bạn một tài liệu hay hay do người viết sưu tầm đuợc.  Xin mời bạn đọc nhé.

Bí quyết sống vui sống khỏe

1.- Hãy dành thời gian vui đùa nhiều hơn với những người trên 65 tuổi và dưới 6 tuổi.
2.- Hãy đọc nhiều sách hơn.
3.- Hãy dẹp bỏ tất cả những gì không tốt, không đẹp hoặc không làm cho bạn vui.
4.- Hãy làm những điều bạn cho là đúng để tâm hồn luôn thư thái.
5.- Hãy sống với 3 C: Chân tình, Cởi mở và Cảm thông với mọi người.
6..- Đừng quan tâm đến những gì người khác nghĩ về bạn, đó không phải là chuyện của bạn.
7.- Đừng để lòng giận ghét làm bạn sống khó chịu bực bội, vô ích nhé.
8.- Hãy nhớ rằng dù cho hoàn cảnh có tốt hay xấu đến đâu đi nữa, thì nó cũng sẽ thay đổi.
9.- Hãy ý thức rằng cuộc đời như trường học và bạn đang ở đó để học tập.
10.- Những vấn đề chỉ như các bài toán đố được đưa ra trong chương trình học, được giải đáp xong rồi biến mất.  Nhưng bài học rút ra thì sẽ giúp ích cả đời.

(Nguồn: sưu tầm trên internet)

Tuần vừa qua tôi có bạn phương xa từ miền Aix in Provence bên  Pháp đến tham dự đại hội họp mặt thân hữu điện lực hải ngoại năm nay ở Portland.  Đó là anh chị Võ Văn Hoàng và Dung, chủ nhân của “ngôi nhà êm đềm” mà người viết đã giới thiệu với độc giả Oregon thời báo trong số báo Xuân ORTB năm 2004 sau chuyến vợ chồng người viết đi họp bạn  THĐL ở Paris về. Nếu đã một lần được viếng thăm ngôi nhà êm đềm này, các bạn THĐL và vợ chồng tôi  sẽ không bao giờ quên hình ảnh tuyệt đẹp của ngôi nhà và tình cảm thân thương của vợ chồng chủ nhân đã dành cho chúng tôi.  Năm nay chúng tôi có duyên may gặp lại nhau trong kỳ đại hội THĐLHN ở Portland.  Mỗi năm một lần,  những người đã có một thời làm việc chung với công ty điện lực Việt Nam ngày xưa  tổ chức họp mặt gặp gỡ nhau ở nơi này hay nơi khác trên thế giới  để chung vui với nhau.  Người viết sẽ nói chi tiết hơn về các buổi họp mặt này sau nhé.  Mời bạn nhớ đón đọc.  Xin cảm tạ!
 Tôi chỉ là “con dâu” của đại gia đình THĐL bên “tướng công” của tôi, và ngược lại ông xã tôi là “con rễ” của  đại gia đình QGHC bên tôi.  Thú thật, tôi thích cách tổ chức họp bạn bên THĐL hơn vì  họ  đến với nhau bằng tình cảm nhiều hơn chứ không đặt nặng vấn đề  “lễ nghi hành chánh” như bên QGHC của tôi.  Quá khứ đã qua rồi, nếu ai còn luyến tiếc, chấp nê với quá khứ vàng son oanh liệt ngày xưa chỉ khổ tâm khổ trí mà thôi.  Những vị “hét ra lửa, mửa ra khói” ngày xưa, nếu đã ý thức được thời thế đã đổi thay thì cũng nên thay đổi cách giao tế  trong vấn về tương quan nhân sự với nhau, chứ  nếu còn giữ thái độ hách dịch, quan quyền như xưa nữa thì  sẽ chẳng có ai “chơi” với mình nữa vì  trong hiện tại rất có thể những đàn em, đàn cháu ngày xưa của mình bây giờ “ngon lành” hơn mình nhiều lắm đấy.  Trường giang sóng sau dồn sóng trước mà lị!
 Người viết vẫn nghĩ  nếu chúng  ta quý mến nhau vì tư cách đạo đức và tình cảm chân thành đối đãi với nhau chứ không phải vì  sợ hãi uy quyền trong lúc đương thời thì chúng ta sẽ được nhiều người thương mến thực sự và lâu dài hơn.  Càng khiêm cung, nhã nhặn bao nhiêu thì càng được nhiều người thương mến, muốn gần gũi kết bạn bấy nhiêu.  Bạn đồng ý chăng?  Xin mời quý bạn đọc mẫu chuyện Thiền nho nhỏ dưới đây để xem giá trị của một danh thiếp như thế nào, nhất là đối với các vị thiền sư nhé.

Danh Thiếp

 Keichu, đại thiền sư thời Minh trị, là người đứng đầu của Tofuku, một tu viện ở Kyoto.  Một ngày thống đốc của Kyoto đến viếng thăm ngài lần đầu tiên. Người hầu cận của Ngài trình một tấm thiếp của vị thống đốc, đọc  thấy là: Kitagaki, Thống đốc Kyoto.
“Ta không có việc gì dính dáng với một kẻ như thế.” Keichu nói với người hầu cận của ngài: “Hãy bảo ông ấy ra khỏi nơi đây”
 Người hầu cận mang tấm danh thiếp ra với lời cáo lỗi.
“Đó là sự lầm lẫn của tôi”, vị thống đốc nói và lấy bút chì gạch bỏ đi mấy chữ Thống đốc Kyoto.
“Hãy thưa lại với thầy anh.”
Ồ! Đấy là Kitagaki ư?” thiền sư reo lên khi nhìn thấy tấm thiếp. “Ta muốn gặp ông bạn đó.”
(Nguồn: 101 Truyện Thiền- 101 Zen stories, transcribed by Nyogen Senzaki và Paul Reps- Tâm Minh NgôTằng Giao chuyển ngữ)

Chúng tôi đã mời anh chị Hoàng Dung đến ở với chúng tôi trong ngôi nhà nho nhỏ, bé bé xinh xinh với hoa vàng trước ngõ, khóm trúc bên hiên của tôi thay vì ở khách sạn Embassy Suite sang trọng, lộng lẫy  để chúng tôi có thể “chiêu đãi đáp lễ “ anh chị đã  tiếp đãi nồng hậu chúng tôi năm 2004 .  Dĩ nhiên là chúng tôi đã có những ngày vui bên nhau một cách thân tình và chắc chắn anh chị Hoàng Dung sẽ không chấp  và phiền trách cho những sơ sót, nếu có, của chúng tôi trong thời gian qua vì chúng tôi đã “do the best we can” rồi để làm vui lòng anh chị HD, phải không thưa  anh chị  Hoàng Dung quý mến?
 Người viết cũng xin cám ơn chị Dung đã chia sẻ với SL bốn câu thơ đầy thiền vị và có giá trị  dưới đây, mà  theo thiển ý, sẽ giúp  tôi bớt đi rất nhiều những điều phiền muộn trong cuộc sống vì  hai chữ Ngã Chấp này:

“Một chấp, hai chấp, ba cũng chấp
 Chất chứa trong lòng chi mà khổ
Trăm điều bỏ, ngàn điều bỏ
 Thong dong tự tại, thế mà vui”

Chúc các bạn một ngày vui, nhiều sức khoẻ và mọi sự an lành đến với các bạn nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam

(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét